Ads 468x60px

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Hạ Quyên - Bến lỡ

Có không ít nghệ sĩ mà tác phẩm trở thành nổi tiếng hơn cả tên tuổi người khai sinh ra nó. Hoàng Ngọc Ẩn ở trong trường hợp này khi thi phẩm “Rừng Lá Thay Chưa” của anh, sáng tác vào năm 76, 77 và được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc vào năm 1981. Duy Quang là người đầu tiên trình bày vào năm 84 để nhạc phẩm này trở thành một nhạc phẩm rất được mến chuộng cho đến bây giờ.  Nhưng về cuộc đời cùng những hoạt động của tác giả Rừng Lá Thay Chưa  có lẽ chưa được mấy ai biết rõ, ngoài việc biết anh là một thi sĩ tên tuổi, có rất nhiều bài thơ được những nhạc sĩ nổi danh phổ thành nhạc.
 
Nhưng đối với thành phố Houston, Hoàng Ngọc Ẩn là một khuôn mặt rất quen thuộc trong giới báo chí cũng như trong giới sinh hoạt nghệ thuật.  Anh là một trong những người Việt đầu tiên đặt chân đến thành phố này sau biến cố tháng 4 năm 75.  Chính xác hơn là ngày 18 tháng 6 năm 1975 cùng vợ và 3 con. Nhờ làm việc với tòa đại sứ Mỹ, anh được đưa thẳng qua phi trường Clark ở Phi Luật Tuân và sau đó được vào thẳng Mỹ, bỏ lại sau lưng thành phố Sài Gòn có rất nhiều gắn bó với anh, với những thăng trầm anh đã trải qua trong quãng đời niên thiếu.
 
Cuộc đời gắn liền với thơ của người thi sĩ gốc Huế sinh năm 1940 tại Ban Mê Thuột này khởi đầu với một bài thơ  được đăng trên báo Phụ Nữ Diễn Đàn vào năm 1955, khi anh sống ở Kontum với người chú.
 
Thời gian sau đó anh cũng miệt mài với thơ trong niềm đam mê của lứa tuổi học trò.  Cũng do thích văn thơ, anh có dịp quen biết với nhà văn Nguyễn Thị Vinh vào khoảng năm 67, 68. Sau đó anh mua lại căn nhà của bà ở  Cư Xá Lữ Gia, cũng là nơi nữ sĩ Lệ Khánh đã từng sống một thời gian sau khi ở Đà Lạt về. Trước đó Hoàng Ngọc Ẩn đã từng hoạ nhiều bài thơ của tác giả thi phẩm nổi tiếng một thời là “Em Là Con Gái Trời Bắt Xấu” với bút hiệu Hoàng Yên Lang.
 
Anh được nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh khuyến khích in thành một tập thơ, nhưng anh không mấy thiết tha vì vẫn muốn giữ tính cách hoàn toàn tài tử. Nhất là anh còn bận rộn với công việc buôn bán trước khi vào làm việc cho toà Đại Sứ Mỹ với chức vụ Chánh Sự Vụ Công Thự  Và Mãi Dịch ở Vùng 3 cho đến lúc ra đi.
 
Thời kỳ đầu tiên ở hải ngoại, Hoàng Ngọc Ẩn cho là anh có nhiều “ngậm ngùi” nhất trong tâm trạng của một người xa quê hương, nên đã sáng tác nhiều thơ để sau đó được những nhạc sĩ nổi tiếng phổ thành nhạc, khởi đầu với Song Ngọc vào năm 1980.
 
Phần lớn những nhạc Lá Thay Chưa. Ngoài ra,  một số sáng tác của anh khi còn ở Việt Nam gần đây cũng được hai nhạc sĩ ở Houston là Hoàng Cầm và Hoàng Văn phổ thành ca khúc.
 
Thuần chất là một thi sĩ nên Hoàng Ngọc Ẩn không chú trọng nhiều về âm nhạc ngoài một thời gian ngắn theo học với nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn  trong thời kỳ ở Bồng Sơn, và sau này được nhạc sĩ Phó Quốc Thăng hướng dẫn đôi chút. Bởi vậy Hoàng Ngọc Ẩn nhận biết mình không có khả năng về âm nhạc nên không bao giờ nghĩ đến việc phổ nhạc từ thơ của mình.  Anh chủ trương nếu muốn đi  vào âm nhạc để có thể sáng tác thì cần phải có thiên tài hay khả năng đặc biệt. Còn “mình học không tới đâu, lại còn phổ thơ của mình thì tiêu luôn, có khi lại chính mình giết mình”,  như anh nói. Anh đưa ra thí dụ về trường hợp nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, trở thành nổi tiếng khi những bài thơ của anh được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Sau đó Nguyễn Tất Nhiên tự phổ nhạc những bài thơ của mình để rồi không có được thành công.
 
Hoàng Ngọc Ẩn sáng tác thơ theo chiều hướng riêng, nhắm vào vấn đề tạo dễ dàng cho những nhạc sĩ phổ thành nhạc. Ngoài vần điệu của thơ, những tác phẩm của anh còn mang nét rõ ràng về âm điệu của nhạc. Người ta có thể nói trong thơ Hoàng Ngọc Ẩn đã sẵn có nhạc nên hầu như  những nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ của anh không cảm thấy bị gò bó.  Bài thơ Rừng Lá Thay Chưa do nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc là một thí dụ điển hình.
 
Nhạc phẩm Rừng Lá Thay Chưa  do Thanh Thúy trình bầy cùng với một số nhạc phẩm khác như Bên Trời Phiêu Lãng, Cho Một Thành Phố Mất Tên, vv... cũng đã được phát thanh về Việt Nam qua làn sóng của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ trong thời điểm làn sóng người tỵ nạn đang lên cao sau khi được đưa vào cassette Rừng Lá Thay Chưa với một thành công lớn. Lời thơ trong những nhạc phẩm này phù hợp với tâm trạng của những người xa rời quê hương cũng như những người còn ở lại vào thời kỳ đó, đã rất được ưa thích. Những cassettes sau đó là Mầu Tím Tango và Bài Tango Cho Người Tình Lỡ cũng được đón nhận rộng rãi.
 
Nhờ chiều hướng tạo dễ dàng cho những nhạc sĩ sáng tác, thơ của Hoàng Ngọc Ẩn đã được những nhạc sĩ khác như Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Việt Dũng, Trần Quan Long, Lê Uyên Phương và Phạm Đình Chương đưa vào âm nhạc. Với Phạm Đình Chương, anh đã rất cảm động khi được nhạc sĩ này phổ nhạc bài thơ Cho Một Thành Phố Mất Tên của anh sau khi tình cờ đọc bài thơ này đăng trên một tờ báo xuất bản ở nam California, sau khi ông mới từ đảo vào đến Mỹ.
 
Nhạc phẩm này được Jo Marcel trình bầy sau đó. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương còn phổ một bài thơ khác của anh là  Bên Trời Phiêu Lãng, do Vũ Khanh trình bày khi mới bước vào nghề ca hát.  Nhạc phẩm này cũng được dùng làm đề tựa cho một CD gần đây nhất của anh.  Trong tình trạng hiện nay, việc tự thực hiện cho mình một CD chắc chắn sẽ chẳng thu về một kết quả nào về mặt thương mại, nhưng với lòng đam mê nghệ thuật, Hoàng Ngọc Ẩn chấp nhận điều này để chỉ coi đó như việc đánh dấu cho cuộc đời hoạt động văn nghệ của mình...
 
Đối với Hoàng Ngọc Ẩn, mỗi nhạc sĩ có nguồn cảm hứng khác nhau nên những bài thơ phổ thành nhạc của anh  đều mang những nét khác biệt, gần đây nhất là những bài được hai nhạc sĩ ở Houston là Hoàng Văn và Hoàng Cầm viết. Gần đây nhạc sĩ Hoàng Cầm đã phổ nhạc từ bài thơ Xin Chia Tay Trong Cõi Này của anh trong số nhiều bài thơ khác.
 
Bài thơ này, Hoàng Ngọc Ẩn mới sáng tác vào cuối năm 2003 vừa qua khi liên tưởng đến một sự chia tay không ai tránh khỏi trong cuộc đời:” Ai cũng tuổi già tới nơi rồi. Mình thấy cuộc đời của những người như tụi mình, sinh hoạt văn nghệ và nhận cái quê hương mới này. Lúc đó mình mới nhìn thấy lại là bây giờ mỗi một ngày, mỗi một tuần, mỗi một tháng nghe tin bạn bè từ từ ra đi hết. Đi sớm hay đi muộn gì thì cũng xin chia tay trong cõi này thôi”.
 
Với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, Hoàng Ngọc Ẩn cũng có được một số bài thơ do nhạc sĩ này phổ nhạc, nổi bật hơn cả là nhạc phẩm Rừng Xưa Thay Lá (tức Bài Tango Cho Người Tình Lỡ), anh sáng tác để coi như lời đáp cho nhạc phẩm Rừng Lá Thay Chưa trước đó. Với âm điệu sẵn có của bài thơ, nhạc sĩ Trầm tử Thiêng đã viết thành nhạc mà không cần phải thay đổi một câu hay một chữ nào...
 
Riêng Việt Dzũng cũng đã đưa 4  bài thơ của Hoàng Ngọc Ẩn vào thế giới âm nhạc. Đó là Thung Lũng Chim Bay, Bài Tango Cuối Cùng, Tự Trầm và Bên Đời Hiu Quạnh. Nhạc phẩm sau được coi như một trong những nhạc phẩm thành công nhất, phổ từ thơ của anh.
 
Qua nội dung những bài thơ của Hoàng Ngọc Ẩn được phổ nhạc, anh cho biết  cảm hứng của anh luôn đến từ những tình cảm thật, những rung động trong cuộc sống mà không đến từ  hư cấu: “Mình chỉ viết cho những cuộc tình của mình ra đi hay là những cảm nhận của mình khi mất mát một cái gì. Thiếu dụ như mình viết cái bài về Sài Gòn tại vì mình yêu cái sài Gòn của mình quá đi. Mình đã có kỷ niệm với nó thành thử mới có những câu “Sài Gòn ơi, thôi hết rồi ngày tháng đam mê, nhớ đường xưa lối cũ đi về, nhớ từng viên đá cuội bên hè. Chỉ có tụi mình lang thang lếch thếch ngoài đường, đi bộ mà không có xe thì mới nhớ những viên đá cuội được. Lúc đó là những nỗi buồn nỗi tiếc thương của mình“.
 
Hoàng Ngọc Ẩn cũng không phủ nhận sự giầu tình cảm của mình, mà anh cho là có chút “lăng nhăng”,  cho nên là một người khổ vì tình cảm, khi “thấy em nào có cặp mắt đẹp cũng mê, tóc dài cũng mê, dáng đẹp cũng mê. Bởi vậy  tim nó nát bấy như tương tầu. Mình phải cảm nhận cái điều đó  thì mình mới viết được , còn mình thì không viết hư cấu”.
 
Trường hợp bài thơ Buồn Xưa do nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành nhạc là một thí dụ cụ thể. Hoàng Ngọc Ẩn viết bài thơ này vào năm 81, khi gặp lại một người bạn gái quen biết trước đó.
 
Những ngày gần đây, có lẽ Hoàng Ngọc Ẩn đã dừng bước giang hồ trong lãnh vực tình cảm để chính thức ra mắt người bạn đời sau này của mình với bạn bè vào dịp lễ Valentine vào đầu năm 2004 vừa qua. Anh và người vợ đầu tiên đã ly dị vào năm 1987.
 
Mặc dù sinh trưởng trong một gia đình chuyên nghề làm vàng ở làng Kế Môn, nhưng anh không thích theo nghề mà chỉ lãng đãng với thơ văn khiến gia đình anh có lúc đã muốn từ bỏ anh, một người mồ côi cha từ lúc mới lên 3 tuổi.
 
Năm 18 tuổi, Hoàng Ngọc Ẩn vào Sài Gòn một mình. Anh vừa đi học trường Nguyễn Công Trứ, vừa đi làm cho nhà in Bình Minh với một cuộc sống “bên đời phiêu lãng”. Và cũng từ đó anh bắt đầu có những giao du với giới văn nghệ sĩ ở thành phố này cho đến khi được thu nhận vào làm việc cho toà Đại Sứ Hoa Kỳ.
 
Hiện Hoàng Ngọc Ẩn đang điều hành hai tờ báo ở Houston. Một tờ là Thương Mại Việt Nam, có mặt trong làng báo từ năm 1982. Một tờ khác là Vietnam Post, xuất bản từ năm 1992. Cũng từ năm 82, anh thành lập nhà sách Văn Hữu và đã thực hiện quyển Tuyển Tập 90 Tác Giả. Dần dần tiệm sách này bán thêm những băng nhạc và trở thành một địa điểm quen thuộc với những người yêu thơ văn và âm nhạc. Nhưng đến năm 87, Văn Hữu ngưng hoạt động sau khi anh ly dị với người vợ đầu tiên.  Trong khoảng thời gian từ năm  89 đến 96, anh thành lập phòng thu Hạ Quyên cũng như khai thác nhà hàng ca nhạc Song Long ở Houston.
 
TVTS – số 968

0 nhận xét:

Đăng nhận xét